Giá cả sinh hoạt leo thang, cuộc sống luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Bởi vậy mà hầu hết công nhân - người lao động đều mong muốn được tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 1/2024.
“Chúng tôi cũng mong muốn nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho đời sống được nâng cao hơn một chút. Lương tối thiểu vùng bây giờ nói chung là khó khăn nên tiết kiệm được ít lắm. Khi nào ốm đau hoặc có công chuyện thì cũng tiêu hết. Nhiều lúc cũng buồn, nghĩ hay là về quê, xong nghĩ đi nghĩ lại lại cố gắng”.
“Phải thuê nhà thì chắc chắc mức lương như vậy là quá khó khăn. Con phải gửi về quê với ông bà chứ không dám để ở trên này. Vì với mức lương tối thiểu vùng hơn 5 triệu, cộng với khoản tiền làm thêm giờ mới được hơn 7 triệu thì cuộc sống 2 vợ chồng và 2 đứa con là quá khó khăn”.
“Lương của công nhân bây giờ thì ít ỏi mà tiền thuê phòng, tiền điện nước, chưa kể chi phí sinh hoạt mỗi người cũng mất 500.000 – 600.000 rồi. Muốn tiết kiệm thì lại phải ăn nhiều bữa ở công ty, còn về nhà chỉ tạm cơ, rau hoặc mì tôm thôi. Đi ra chợ phải xem hàng nào rẻ hơn mới mua được”.
Đó là những ý kiến phản ánh của một số công nhân lao động mà PV VOV thu thập được. Trước tình hình này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn đi khảo sát, đánh giá tình hình việc làm, thu nhập, đời sống và tâm tư nguyện vọng của người lao động. Cụ thể, tổ chức công đoàn đã tiến hành khảo sát ở 200 doanh nghiệp, thuộc 6 tỉnh, thành cho thấy: Trên 75% người lao động được khảo sát cho biết thu nhập của họ không đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Vì vậy, người lao động muốn được tăng lương từ đầu năm 2024.
Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: “Qua khảo sát thì thấy, hơn 75% người lao động họ cho biết, tiền lương và thu nhập là không đáp ứng được nhu cầu chi phí sinh hoạt cơ bản hàng tháng của họ, nhiều người phải vay tiền để trang trải các chi phí. Con số mà chúng tôi khảo sát khoảng 17% nói là họ phải vay tiền và hơn 11% cho biết, ngoài các công việc họ phải làm hàng ngày trong nhà máy thì họ phải làm thêm các công việc khác nữa để có thêm thu nhập. Ví dụ như bán hàng online hay là chạy xe ôm công nghệ ngoài giờ làm việc. Nhiều người vẫn phải dùng đến giải pháp là rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải chi tiêu. Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 12% phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Ngoài ra, hơn một nửa số người lao động thì nói rằng, tiền lương không đủ sống nên cũng ảnh hưởng tới quyết định lập gia đình và sinh con của họ”.
Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho hay: Tại phiên họp chính thức đầu tiên để thảo luận phương án lương tối thiểu vùng năm 2024 của Hội đồng tiền lương quốc gia mới đây, phía đại diện người lao động nêu mức đề xuất tăng từ 5 - 6%.
“Quan điểm của công đoàn là tăng lương cho người lao động và chúng tôi cũng rất mừng là ở phiên một - phiên họp đầu tiên mặc dù chưa thống nhất được mức tăng là bao nhiêu. Thế nhưng cũng đã thống nhất là phải tăng lương cho người lao động và mức tăng phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, bù lạm phát và đảm bảo mức sống của người lao động. Tuy nhiên, mức cụ thể thì Hội đồng tiền lương quốc gia cũng thống nhất là cần phải tính toán mức sống tối thiểu để xem mức cụ thể là như thế nào để có phương án tăng lương cho đáp ứng, đồng thời sẽ thương lượng lại vào tháng 11/2023. Công đoàn rất mong muốn là nguyện vọng của người lao động được đáp ứng”, bà Phạm Thị Thu Lan nói.