TTXVN dẫn thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), ngành logistics Việt Nam đang được cải thiện về chất lượng do sự phát triển về thương mại điện tử và logistics điện tử (e-Logistics).
Trong đó, TPHCM tập trung hơn 50% doanh nghiệp logistics của cả nước. Tuy nhiên, báo cáo thống kê về thực trạng số hóa logistics trên địa bàn TPHCM cho thấy, số lượng doanh nghiệp logistics đang sử dụng công nghệ mã vạch chỉ chiếm 10,2% và sử dụng công nghệ RFID (công cụ cơ bản để quản lý dòng lưu chuyển hàng hóa) chiếm 2,5%.
Báo cáo này cũng chỉ ra tỷ lệ doanh nghiệp logistics trên địa bàn thành phố có ứng dụng ERP (bao gồm các công cụ quản lý quy trình kinh doanh chiến lược và có thể được sử dụng để quản lý thông tin) đạt 44,8%. Tỷ lệ ứng dụng hệ thống quản lý kho hàng (WMS) đạt 41,4%.
Ngoài ra, doanh nghiệp logistics ở TPHCM đang gặp các hạn chế như website một số doanh nghiệp còn thiếu công cụ để theo dõi đơn hàng, theo dõi chứng từ, xem lịch tàu, e-Booking…, chịu sức cạnh tranh lớn trong việc tuyển nguồn nhân lực giỏi và nguồn tài chính của doanh nghiệp còn ít dẫn đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại bị hạn chế.
Thị trường logistics Việt Nam đang có sự tham gia của khoảng 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, có 89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.