Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Ảnh: TL |
Ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về nhiều nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội (KTXH), trong đó có đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình KTXH nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu.
Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.
Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất (đến hết tháng 9 đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng). Cả năm 2023 ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Năm 2023, xếp hạng môi trường kinh doanh nước ta tăng 12 bậc; giá trị thương hiệu quốc gia tăng 1 bậc, xếp thứ 32/100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng nêu các hạn chế, khó khăn trong nhiều lĩnh vực.
Cụ thể là, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Công nghiệp tuy phục hồi nhưng còn chậm, giá trị tăng thêm 9 tháng tăng 1,65% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10,2%). Thu NSNN 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ; đầu tư của khu vực ngoài nhà nước 9 tháng chỉ tăng 2,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10%). Chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao; giá xăng dầu, lương thực... biến động mạnh…
Nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với
Đầu tư công chưa thể hiện vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn một số vấn đề. Cụ thể như dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài… Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng (hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch), chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. |
cùng kỳ. Tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Tăng trưởng tín dụng đến 21/9 chỉ đạt 5,91% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết tháng 7 là 3,56%, cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra (đến cuối năm 2025 là dưới 3%)…
Tốc độ tăng năng suất lao động tiếp tục khó "về đích"
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản đồng tình với các báo cáo và đánh giá tình hình KTXH có nhiều tiến bộ, tín hiệu đáng mừng nhưng khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm là khó, cũng như kế hoạch 5 năm đòi hỏi phải có quyết tâm cao.
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, song Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng bày tỏ lo ngại khi năng suất lao động mới chỉ đạt mức tăng 4,8%, thấp hơn mục tiêu, điều này sẽ tác động đáng kể đến tăng GDP.
Giải thích về chỉ tiêu năng suất lao động đạt thấp hơn mục tiêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nguyên nhân thứ nhất là do tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp. Thứ hai là do sản xuất công nghiệp, xây dựng và bất động sản khó khăn. Một bộ phân người lao động chuyển sang bộ phận dịch vụ phi chính thức với năng suất thấp hơn. Thứ ba, là do một bộ phận người lao động chuyển việc mới thì cần thời gian đào tạo lại nên đã ảnh hưởng nhiều đến năng suất lao động hiện nay.
Về kết quả tăng trưởng dự báo 5%, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tuy không đạt mục tiêu, nhưng so với tình hình chung của thế giới thì đây là kết quả rất đáng khích lệ. Chính phủ xác định không điều chỉnh mục tiêu với tinh thần chung là quyết tâm thực hiện cao nhất mục tiêu của năm nay.
Trong bối cảnh khó khăn, song cùng với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò của Quốc hội và khẳng định, trong suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Chính phủ. Không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện của Chính phủ như trong quá trình phục hồi KTXH, các cơ chế chính sách đặc thù hiện này có sự ủng hộ kịp thời, hiệu quả của Quốc hội.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cân đối các nội dung trong báo cáo, đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, “gạn đục khơi trong” để làm nổi bật các kết quả đạt được để thấy được nỗ lực của các cơ quan trong năm 2023. Trong đó, nhấn mạnh thêm công tác đối ngoại bao gồm đối ngoại Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân được đẩy mạnh, chủ động triển khai đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng góp phần phát triển KTXH, tạo uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu vượt mục tiêu Báo cáo về tình hình giữa kỳ thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cho biết sơ bộ sau gần hai năm thực hiện, trong số 23 chỉ tiêu có thông tin, số liệu, có 10 chỉ tiêu có thể đạt được, 13 chỉ tiêu cần nỗ lực rất lớn. Một số chỉ tiêu có kết quả khả quan như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 3 năm 2021 - 2023 so với GDP đạt 33,61% (mục tiêu đặt ra là 32 - 34%). Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt khoảng 35,3 - 46,09% (mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 45% GDP). Toàn bộ 102 nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án tại Nghị quyết số 54/NQ-CP của Chính phủ đã được triển khai. Trong đó, 37 nhiệm vụ đã hoàn thành và có kết quả rõ ràng; 28 nhiệm vụ đang chỉnh sửa, hoàn thiện để trình cấp thẩm quyền ban hành; 37 nhiệm vụ đang triển khai theo kế hoạch. Nhất trí với báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tính bất định cao. Một số kết quả được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh là tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hai năm 2021 - 2022 vượt mục tiêu đề ra; khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu ước thực hiện năm 2023 đạt 86,44% GDP, vượt mục tiêu tại Nghị quyết số 31 là đạt tối thiểu 85% GDP. Các nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra đã bước đầu thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa, xanh hóa. Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai chưa nhiều, chưa mang lại những thay đổi đáng kể, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển./. |