Thách thức trong kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa16/01/2023 - 16:32:00 Trước những thách thức trong kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01, trong đó nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa”.Kỳ vọng kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừaThời gian qua, có khá nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam kết nối với doanh nghiệp FDI hoặc với doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cùng các cơ quan Chính phủ Việt Nam đã khởi động Dự án Thúc đẩy Cải cách và Nâng cao Năng lực Kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME). Dự án thực hiện trong 5 năm, với kinh phí 22,1 triệu USD nhằm tạo ra sự thay đổi mang tính hệ thống trong mối quan hệ kinh doanh giữa các DNNVV của Việt Nam với các doanh nghiệp đầu chuỗi. Đồng thời, tăng đáng kể về số lượng và chất lượng các kết nối doanh nghiệp giữa DNNVV và doanh nghiệp đầu chuỗi. Việc triển khai Dự án LinkSME được kỳ vọng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đưa ra các bài học kinh nghiệm từ dự án giúp đề xuất cải cách thể chế, đơn giản hóa quy định và thủ tục hành chính, giảm chi phí cho các DNNVV, tạo thuận lợi kinh doanh và tăng cường hội nhập quốc tế, thêm các DNNVV có khả năng cạnh tranh là thêm đầu vào DNNVV. Đồng thời, xây dựng năng lực bền vững cho các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp từ khu vực công và tư, tăng cường hàm lượng nội địa hóa giúp tạo thêm giá trị cho nền kinh tế trong nước, thêm việc làm và thu nhập. Cũng trong năm 2019, Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam ký kết Dự án “Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa và phát triển ngành công nghiệp”. Đây là xây dựng, phát triển mạng lưới các tư vấn viên có chất lượng để giúp cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Việc đánh giá và hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các doanh nghiệp nhằm giúp kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, để các doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản. Dự án gồm 3 hợp phần, trong đó hợp phần 2 tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của DNNVV Việt Nam và kết nối với doanh nghiệp đầu chuỗi Nhật Bản. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua, Dự án đã đẩy mạnh linh hoạt triển khai nhiều hoạt động nhằm thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu của Dự án. Hoạt động hỗ trợ tại nhà máy thông qua hợp phần 2 của Dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, được các doanh nghiệp và nhiều cơ quan, đơn vị ghi nhận, đánh giá cao. Trong khuôn khổ hợp phần 2, Dự án đã xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá, thực hiện khảo sát tại các doanh nghiệp và sàng lọc, lựa chọn ra 15 DNNVV để tiến hành hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh trực tiếp tại doanh nghiệp trong thời gian gần 1 năm; trong đó, một số doanh nghiệp tham dự đã được kết nối thành công và ký kết hợp đồng cung cấp với các doanh nghiệp đầu chuỗi Nhật Bản. Bên cạnh những dự án dài hơi, còn nhiều những khoá đào tạo ngắn hạn, như “Khoá học thực hành: Phương pháp hỗ trợ hướng tới thành công trong kinh doanh”. Với 4 ngày đào tạo, các học viên được tiếp nhận những kiến thức cơ bản và toàn diện, thực tế với các ví dụ minh họa sinh động từ chuyên gia đối với 2 nội dung: Hỗ trợ tại giai đoạn chuẩn bị kinh doanh và Hỗ trợ tại giai đoạn tạo dựng kinh doanh. Các học viên cũng có nhiều thời lượng thực hành trao đổi và trình bày theo nhóm, đối thoại theo cặp, nhờ đó tương tác được nâng cao, tăng hiệu quả tiếp nhận kiến thức và kỹ năng. Cùng với việc giới thiệu các mô hình kinh doanh, phương pháp hiệu quả, chuyên gia cũng chia sẻ về một số mô hình thất bại, từ đó rút ra kinh nghiệm làm việc, hỗ trợ DNNVV để các chuyên gia tư vấn được tiếp cận nhiều tình huống và gợi ý cách xử lý trong quá trình thực tế làm việc. Hai nguyên nhân cơ bản Mặc dù được các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ, nhưng nhìn chung, việc kết nối DNNVV với các doanh nghiệp đầu chuỗi vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), các công ty Nhật Bản chỉ mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp tại Việt Nam. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước ASEAN khác như Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%). Một thí dụ khác, sau hai năm thực hiện Dự án USAID - LinkSME, có 1.692 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia dự án và sau các khâu đánh giá chỉ chọn được 19 doanh nghiệp để giới thiệu cho các doanh nghiệp đầu chuỗi. Kết quả là đã có hơn 82 đơn hàng được ký kết với tổng giá trị hơn 3,2 triệu USD – một con số khiêm tốn. Có hai nguyên nhân khiến sự liên kết giữa DNNVV với doanh nghiệp đầu chuỗi yếu và rời rạc. Thứ nhất, doanh nghiệp FDI lớn thường có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo và có chuỗi cung ứng sẵn sàng, hoặc tự phát triển chuỗi khép kín. Do đó, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam khác tham gia được vào chuỗi giá trị do các doanh nghiệp này dẫn dắt là rất khó. Thứ hai, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ DNNVV Việt Nam có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế; hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng lớn trong nước và quốc tế. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01, trong đó nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị bền vững,… Đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”. Theo Tạp chí công thương
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|