Thế hệ vàng hâm nóng sàn diễn cải lương26/04/2021 - 08:16:00 Nhiều nghệ sĩ thế hệ vàng dù đã lớn tuổi nhưng vẫn giữ được phong cách chuẩn mực, lối diễn gần gũi với công chúng... Họ là những tấm gương sáng trong lao động nghệ thuậtHiện có 3 suất diễn đang thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả mộ điệu cải lương là vở "Lưu Bị cầu hôn Giang Tả" (ngày 1-5 và 14-5 tại sân khấu Sen Việt - 5B Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM) của gia tộc Minh Tơ với sự xuất hiện trở lại của nghệ sĩ Xuân Yến, Thanh Loan, Trường Sơn, Công Minh...; "Hồng Nga - Kiếp cầm ca" (ngày 9-5 tại phòng trà Không Tên) và "Gửi người tri kỷ lần 2" với sự tái ngộ của NSND Bạch Tuyết và NSƯT Diệu Hiền (ngày 6-5 tại phòng trà WE). Sức hút mãnh liệt Tham gia diễn các vở lần này có nhiều nghệ sĩ thế hệ vàng, họ là những tấm gương lao động nghệ thuật bền bỉ với nghề trong nhiều thập niên qua. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, sân khấu cải lương giữa thập niên 1950 đến giữa thập niên 1970 là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất. Nhiều khuynh hướng sáng tác, dàn dựng thời đó đã trở thành kim chỉ nam trong diễn xuất của lực lượng nghệ sĩ, mà tiêu biểu là theo trường phái "thật và đẹp" của soạn giả Năm Châu - bậc thầy trong sáng tác, đạo diễn với nền tảng là Đoàn Việt Kịch Năm Châu. Còn với lĩnh vực cải lương tuồng cổ thì 2 gia tộc lớn là Minh Tơ và Huỳnh Long đã đào tạo, uốn nắn rất nhiều nghệ sĩ giỏi nghề của bộ môn này, công lao lớn là từ nghệ sĩ Minh Tơ, Khánh Hồng, Đức Phú (gia tộc Bầu Thắng) và ông bà Ngọc Huỳnh (gia tộc Huỳnh Long). NSND Bạch Tuyết (trái) và NSƯT Diệu Hiền sẽ hội ngộ trong đêm 6-5 tại sân khấu phòng trà WE. Ảnh: PHẠM SĨ TÍNH Giai đoạn này còn xuất hiện một giải thưởng uy tín, đo lường chất lượng của nghệ sĩ, đó là Giải Thanh Tâm. Những nghệ sĩ đoạt giải đều hội đủ các yếu tố về thanh - sắc và có nội lực trong diễn xuất, nhất là giọng ca tuyệt vời, khắc sâu trong lòng khán giả những vai tuồng ấn tượng. Nhưng điều gì làm nên sức hút mãnh liệt dù hiện nay họ đều bước qua tuổi 70? Câu hỏi này càng khiến khán giả thêm tò mò và mua vé đến xem. Trước hết đó là sự hấp dẫn của hào quang cũ. Thứ hai đó là sự nghiêm túc với nghề, hễ bước lên sân khấu là ca diễn hết mình. Thứ ba, họ luôn tạo cái mới trong mỗi lần xuất hiện với nội lực thiện nghệ trong ca diễn và trên hết luôn làm hài lòng khán giả. Giọng ca của NSND Bạch Tuyết, NSƯT Diệu Hiền, nghệ sĩ Hồng Nga mang nét đặc trưng riêng, được minh chứng qua nhiều vai diễn đặc sắc, cộng thêm sự hòa quyện với dàn nhạc cổ gồm nhiều danh cầm. Nhiều khán giả cho rằng "chỉ cần nghe ca thôi cũng đáng đồng tiền bát gạo". Chương trình "Gửi người tri kỷ" lần 1 thành công đã tạo tiếng vang để NSND Bạch Tuyết tiếp tục thực hiện đêm hội ngộ với người bạn thân cùng thời với hơn 60 năm theo nghề là NSƯT Diệu Hiền. Tương tự, nghệ sĩ Hồng Nga đã tổ chức rất nhiều live show nhưng hễ được khán giả yêu cầu, bà lại lên chương trình biểu diễn quy tụ nhiều bạn diễn cùng tham gia, trong đó có NSND Minh Vương (Giải Khôi nguyên vọng cổ năm 1964). Chuẩn bị chu đáo
Giới làm nghệ thuật thường phê phán kiểu làm chụp giựt, cẩu thả của một số bầu show chỉ biết kiếm lợi nhuận mà xem nhẹ việc đầu tư chất lượng chương trình là "mì ăn liền". Trên thực tế, kiểu làm nghề thiếu chuẩn mực đã báo hiệu một thực trạng xuống cấp về mặt đạo đức nghề nghiệp của người nghệ sĩ. Dễ nhận thấy chính là cách tập dượt ẩu tả, quy tụ đông ngôi sao nhiều lĩnh vực để cốt bán được nhiều vé mà làm giảm đi chủ đề vinh danh nghệ thuật cải lương và nghệ sĩ thế hệ vàng được công chúng yêu mến. NSƯT Diệu Hiền tâm sự từ khi nhận lời xuất hiện trở lại sàn diễn cùng NSND Bạch Tuyết, bà lo lắng vì sức khỏe kém sẽ ảnh hưởng đến suất diễn. Vì thế, bà phải ráng ăn ngủ đủ giấc, tập dượt thật kỹ. "Thế hệ chúng tôi không cho phép mình sao lãng việc học và rèn. Trên 70 tuổi vẫn phải học. Nghề này không có đỉnh cao" - NSƯT Diệu Hiền nói. Nghệ sĩ Hồng Nga cũng hăng hái tập luyện, bà năng động vì mang danh "cô đào rộng đường xài". Từ vai hài sang vai bi, từ đào mụ độc ác đến đào lẳng duyên dáng, bà đều chuẩn bị thật chu đáo cho lần xuất hiện mới. Với gia tộc Minh Tơ, sau 21 năm hội ngộ dưới bảng hiệu truyền thống, các nghệ sĩ đều xứng danh là tấm gương lao động nghệ thuật cho thế hệ trẻ. "Chúng tôi đã cao niên, sức không còn hăng như trước nhưng hễ lên sàn tập thì phải đốt cháy hết nhiệt huyết. Chúng tôi rất ngại biến mình thành con buôn nghệ thuật. Đầu tư phải nghiêm túc, tập dượt phải tử tế để khán giả còn quay lại nên không có chuyện làm ẩu sẽ ảnh hưởng uy tín gia tộc" - nghệ sĩ Xuân Yến tâm sự. Có nghệ sĩ đến ngày diễn bị bệnh, sức khỏe không cho phép ca câu vô vọng cổ, bắt buộc phải dùng bản thu âm, còn lồng câu thì ca "sống" với dàn nhạc (điều đó được khán giả chấp nhận) để không ảnh hưởng đến suất diễn. NSND Trần Minh Ngọc cho rằng sàn diễn của các nghệ sĩ thế hệ vàng được hâm nóng còn mang một ý nghĩa rất lớn, đó là góp phần trả lại sự chuẩn mực trong cách ca diễn cho sân khấu cải lương. "Không thể làm ẩu mà mong sự tha thứ. Sân khấu phải luôn là thánh đường và người nghệ sĩ phải là kẻ hành đạo, giữ ngôi đền linh thiêng đó" - NSND Trần Minh Ngọc khẳng định. “Thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương đã tạo được sự hấp dẫn qua những danh hiệu rất hay mà công chúng đặt cho họ như: “Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn”, “Ông hoàng cải lương Thành Được”, “Sầu nữ Út Bạch Lan”, “Đệ nhất đào thương Thanh Hương”, “Khôi nguyên vọng cổ Minh Vương”, “Giọng ca chuông ngân Lệ Thủy”, “Nữ hoàng kiếm hiệp Mỹ Châu”, “Giọng ca lụa trải nhung căng Ngọc Giàu”... đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật cho thế hệ diễn viên trẻ hôm nay” - NSND Trần Minh Ngọc chia sẻ.
Theo Người lao động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|