Thế khó của Iran trước thời điểm ông Trump trở lại Nhà Trắng09/01/2025 - 08:51:00 Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump được cho là sẽ đối mặt với Iran, một đối thủ lâu năm của Mỹ, ở vị thế suy yếu hơn so với nhiều thập kỷ trước.
Sau khi Tổng thống Bashar Assad bị lực lượng đối lập Syria lật đổ vào tháng 12/2024, Iran được cho là đã rút hầu hết lực lượng khỏi Syria, quốc gia từng là trung tâm trong chiến lược thể hiện sức mạnh của Tehran ở Trung Đông. Trong khi đó, các lực lượng ủy nhiệm hùng mạnh nhất của Iran ở Trung Đông là Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza, và nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon cũng đã bị suy yếu sức mạnh trong các cuộc đụng độ với Israel kể từ tháng 10/2023. Israel còn gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống phòng không của Iran trong các cuộc không kích vào tháng 10/2024. Một Iran suy yếu hơn "Mạng lưới lực lượng ủy nhiệm của Iran đang trong tình trạng hỗn loạn, đại diện quan trọng nhất là Hezbollah cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hàng tỷ USD mà Iran đầu tư vào Syria trong nhiều thập kỷ qua cũng đã tan thành mây khói", ông Jon Alterman, Phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ chia sẻ với Business Insider. Trong nhiều thập kỷ, Iran đã theo đuổi mục tiêu cốt lõi là làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ, thách thức quyền lực của Ảrập Xêút, và bao vây Israel bằng cách xây dựng mạng lưới dân quân và đồng minh ở Trung Đông. Mạng lưới của Iran còn được gọi là “Trục kháng chiến” bao gồm cả lực lượng Houthi ở Yemen, và dân quân Shia ở Iraq. Nhưng hiện tại, các lực lượng ủy nhiệm của Iran đã ở thế yếu sau hành động tấn công quân sự liên tiếp từ Israel và các đồng minh. Gần đây nhất, Israel và Mỹ đã cùng tấn công các mục tiêu của Houthi ở Yemen. "Thay vì bao vây Israel, Tehran có lẽ đang cảm thấy bị các quốc gia thù địch khác bao vây. Chiến lược kiềm chế của Iran đối với Israel đang tan vỡ", ông Mathew Burrows tại Trung tâm Stimson ở Mỹ nhận định. Rắc rối trong nước Nền kinh tế Iran đã bị tàn phá bởi các lệnh trừng phạt quốc tế. Giá trị đồng riyal của Iran cũng đã giảm mạnh, và lạm phát đang ở mức 30%. Trong khi đó, trên mặt trận ngoại giao, Iran cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Giáo sư Stefan Wolff tại Đại học Birmingham ở Anh cho rằng, các đồng minh quốc tế hùng mạnh nhất của Iran là Nga và Trung Quốc hiện không thể, hoặc không muốn giúp đỡ Tehran. Ông cho rằng, từng là bên ủng hộ chính cho cựu Tổng thống Assad, nhưng do căng thẳng xung đột ở Ukraine, Moscow không thể giúp đỡ gì hơn ngoài việc đưa ông Assad và gia đình rời khỏi Syria tới Nga. "Trong thời gian ngắn, tổn thất của Iran là rất lớn", bà Burcu Ozcelik tại tổ chức tư vấn RUSI ở London đánh giá. Sự trở lại của ông Trump Không chỉ ban hành loạt lệnh trừng phạt với Iran trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống Mỹ, ông Trump còn hạ lệnh ám sát chỉ huy quân đội Iran là Thiếu tướng Qassem Soleimani tại Iraq vào năm 2020. Ngoài ra, theo Hiệp định Abraham, ông Trump còn tìm cách bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia vùng Vịnh. Trong nhiệm kỳ thứ 2, ông Trump có thể sẽ thắt chặt chiến lược gây sức ép tối đa bằng cách làm suy yếu ảnh hưởng của Iran tại Iraq. Song theo các chuyên gia, dù Iran có thể bị suy yếu, nhưng họ vẫn chưa hết thời. Các đồng minh của Iran bao gồm Houthi và Hezbollah dù năng lực đang bị suy yếu, nhưng vẫn có khả năng tái thiết. Bên cạnh đó, Iran vẫn nắm trong tay bộ máy tình báo và quân sự tinh vi. Theo giới phân tích, Iran còn có khả năng phát triển vũ khí nguy hiểm nhất là bom nguyên tử. Một số chuyên gia tin rằng, Iran có thể phát triển đủ vật liệu để sản xuất bom hạt nhân chỉ trong vài tháng. "Sự suy yếu sẽ thúc đẩy Iran đẩy nhanh nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân để bù đắp, hoặc ít nhất là đe dọa làm như vậy để cải thiện đòn bẩy của Iran trong các cuộc đàm phán", ông Alterman nói. Do đó, thách thức lớn đối với chính quyền mới của ông Trump sẽ là tìm ra cách ngăn chặn Iran sở hữu loại vũ khí nguy hiểm này. Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
|