Đó là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" ngày 19/3.

Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn.

Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn rất thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, đồng thời, xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, dựa vào khoa học và công nghệ để phát triển đất nước.

Chia sẻ thêm về chủ đề của Diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh cũng là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030.

Trước xu hướng phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được ban hành và thực thi với nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ngoài ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP và EVFTA.

Trong quá trình này, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, nhưng cũng phải làm như một nước phát triển. Để cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng chiến lược và quan điểm.

Theo đó, tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, do đó, phải kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả.

"Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này; phát triển mang lại thu nhập cho người dân nhưng phải bảo đảm sức khỏe cho người dân", Thủ tướng nói.

Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, đặc biệt lưu ý về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để phát triển năng lượng bền vững; đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm.

Cùng với đó, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.

Theo Thủ tướng, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh. 

Thủ tướng chào mừng các đại biểu quốc tế dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023

Quan tâm cắt giảm chi phí cho DN

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ quan tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (về vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo, phát triển nhân lực…).

Thủ tướng cho rằng thời gian tới, phản ứng chính sách của các nước, thị trường bị thu hẹp, các diễn biến địa chính trị, xung đột ở một số nơi, các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, già hóa dân số… sẽ tiếp tục tác động tới Việt Nam, mang tới không ít khó khăn, thách thức.

Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn trước các biến động của thế giới, trong khi nội tại vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, "khó khăn lâu dài thì có giải pháp lâu dài, khó khăn trước mắt thì có giải  pháp trước mắt". 

Trong lịch sử, Việt Nam đã đóng góp khá ít trong phát thải khí nhà kính nhưng hai thập niên vừa qua, với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam là một trong những nền kinh tế thâm dụng về carbon nhất ở Đông Á. Khi nhận thức được nhu cầu giảm thiểu khí nhà kính và đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra những cam kết tham vọng tại COP26 để có được trung hòa carbon vào năm 2050 và hiện thực hóa nỗ lực này. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050, Việt Nam phải đẩy mạnh việc khử carbon nền kinh tế thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính cần có.Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)
Sứ mệnh của chúng tôi là thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương giữa châu Âu và Việt Nam. Với 1.300 thành viên và 9 hiệp hội doanh nghiệp quốc gia, chúng tôi cống hiến hết mình cho mục đích này. Tôi tự hào tiếp bước người tiền nhiệm Alain Cany, người tham gia phái đoàn tháp tùng Ngài Thủ tướng Chính phủ tại COP26 khi Ngài đưa ra cam kết lịch sử của Việt Nam đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Để theo đuổi việc thực hiện đầy đủ sứ mệnh của mình, chúng tôi đã cùng làm việc để xác định các lĩnh vực cần có tiến bộ mạnh mẽ, chia sẻ công nghệ tiên tiến của châu Âu và thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao.Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)