Đề xuất dừng hoạt động tập trung đông người không cần thiết
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, tình hình dịch vẫn cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng tăng nhanh ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần, số mắc cộng đồng tăng tại 44 tỉnh, thành phố). Trong tuần (9-15/12), cả nước ghi nhận thêm 106.918 ca mắc mới, trong đó số ca cộng đồng chiếm tới 60,5%.
Lý giải nguyên nhân số ca tăng nhanh, Bộ Y tế cho rằng, sau khi thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu, đi lại có tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng, chống dịch 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng… Trong khi đó, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh. Với những người tiêm vắc xin giai đoạn đầu, miễn dịch sau tiêm sẽ giảm dần theo thời gian.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tổng số vắc xin dự kiến tiếp nhận đến hết năm là khoảng 42,6 triệu liều và quý I/2022 có thêm khoảng 15 triệu liều vắc xin do Chương trình COVAX Facility viện trợ. Số lượng trên đủ để tiêm liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm mũi nhắc lại cho 95% người từ 18 tuổi trở lên. Trước diễn biến phức tạp của dịch, Bộ Y tế đề xuất hàng loạt biện pháp để chặn sự lây lan. Cụ thể, Bộ đề xuất dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch; tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh.
Người dân phải được tiếp cận y tế từ cơ sở
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải bám sát tình hình, sớm phát hiện chủng mới xâm nhập. Nhấn mạnh mục tiêu hạn chế tối đa lây nhiễm cho cộng đồng, giảm tối đa ca chuyển nặng, giảm tối đa ca tử vong, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Trong đó phải nâng cao năng lực y tế cơ sở từ nhân lực, thuốc, ôxy; kết hợp xét nghiệm tầm soát.
Thủ tướng đề nghị tập trung khâu tổ chức thực hiện và kiểm tra, nhất là bệnh nhân xét nghiệm dương tính nhưng không được tiếp nhận. Bộ Y tế cần hoàn thiện hướng dẫn cơ sở, bảo đảm dinh dưỡng, thuốc điều trị, chăm sóc tinh thần người bệnh đang điều trị; bảo đảm sẵn sàng thuốc điều trị, ôxy, kết hợp đông tây y. Về vấn đề vắc xin, Thủ tướng một lần nữa nêu rõ, “phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vét vắc xin, phải thần tốc để hoàn thành kế hoạch”. Bộ Y tế phải đảm bảo đủ vắc xin, nếu không, phải chịu trách nhiệm.
Trong công tác điều trị, Thủ tướng lưu ý, ngoài việc xin hỗ trợ, cần phải chủ động bảo đảm nguồn thuốc. Xem xét huy động bác sĩ về hưu, hệ thống y tế tư nhân tham gia. Đặc biệt, có hướng dẫn, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn của y tế cơ sở trong việc phát hiện sớm, sàng lọc, điều trị F0 tại nhà; bổ sung nhân lực cho các địa bàn; cơ cấu lại, điều động nhân lực, nhân cao chất lượng đội ngũ y tế cơ sở như tập huấn về điều trị. Những nơi xuất hiện nhiều ca nhiễm, diễn biến phức tạp thì dứt khoát phải thành lập trạm xá lưu động.
Đà Nẵng: Người chưa tiêm phòng đăng ký tiêm qua tổng đài
Sở Y tế TP Đà Nẵng đang triển khai quy trình đăng ký và thiết lập điểm tiêm chủng cho người dân chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Người dân từ đủ 12 tuổi trở lên chưa được tiêm chủng đủ liều cơ bản sẽ đăng ký tiêm từ ngày 17 - 23/12. Nơi đăng ký là Tổng đài dịch vụ công Đà Nẵng, UBND xã, phường. Ngành y tế sẽ thiết lập 2 điểm tiêm chủng tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng và Cơ sở tiêm chủng dịch vụ - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (103 Hùng Vương).