Chúng ta có cần bộ máy lớn đến như thế không? V.I Lênin khi đề cập tới bộ máy Nhà nước đã nhấn mạnh: Thà ít mà tốt.
Ảnh minh họa/vov.vn |
Quy tắc của Lênin cũng là quy tắc được nhiều quốc gia áp dụng và phát triển rất nhanh. Quy tắc ấy tạo ra bộ máy tinh gọn, nhưng lại cho ra hiệu quả lớn. Hiểu đơn giản, với số người trong bộ máy ít nhất, nhưng thực hiện được nhiều chức năng, nhiệm vụ quan trọng nhất. Nhà nước không ôm đồm mọi việc, mà phân quyền, phân việc còn lại trong xã hội cho các tổ chức dịch vụ công ích; doanh nghiệp; người dân… có khả năng, tất nhiên là phải trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và pháp luật. Một hệ thống luật pháp hiện đại, mạnh mẽ, chặt chẽ, thông minh và nhân văn. Từ đó, tạo ra sự dân chủ, minh bạch, là cơ sở để mọi người bình đẳng về cơ hội tham gia phát triển đất nước, phát triển bản thân.
Vậy, bộ máy tinh gọn ấy có phải là bộ máy yếu khi vận hành? Điều đó không đúng! Bởi, trong bộ máy tinh gọn ấy, lực lượng những cán bộ, công chức, viên chức là tinh hoa của đất nước, là những người có đủ phẩm chất, năng lực, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật công vụ, hết lòng phục vụ nhân dân, vì sự phát triển của đất nước. Những tinh hoa trong bộ máy tinh gọn ấy là những người tiên phong tiếp cận thành tựu tiên tiến nhất của nền quản trị quốc gia trên thế giới và biết ứng dụng một cách phù hợp vào thực tiễn Việt Nam.
Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật đã và đang làm thay đổi sâu sắc phương thức quản trị quốc gia và hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc tổ chức và sắp xếp bộ máy tinh, gọn nhưng phải mạnh, hiệu quả, hiệu lực là xu thế không thể đảo ngược.
Với nước ta, tinh thần tinh gọn còn cần phải hết sức khẩn trương, vì thời gian không còn nhiều.