Ngày 22/8, các lãnh đạo của lực lượng Taliban ở Afghanistan đã áp đặt một số quy định ở khu vực xung quanh sân bay thủ đô Kabul nhằm đảm bảo dòng người xếp hàng trật tự tại các lối vào sân bay và tránh cảnh tụ tập, chen lấn.
Theo các nhân chứng, sân bay Kabul hiện không còn tình trạng bạo lực hoặc hỗn loạn. Từ sáng sớm đã có những hàng dài người xếp hàng chờ đợi.
Trước đó, tối 21/8, Australia đã điều 4 chuyến bay đến Kabul để sơ tán hơn 300 người, gồm công dân Australia, New Zealand, Mỹ, Anh và những người Afghanistan có thị thực.
Cùng ngày, Mỹ và Đức khuyến cáo công dân ở Afghanistan tạm thời tránh đến sân bay Kabul vì lý do an ninh khi hàng nghìn người đang đổ về đây để tìm đường sơ tán.
Theo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và lực lượng Taliban, ít nhất 12 người đã thiệt mạng ở khu vực sân bay Kabul. Các nhân chứng cho biết những người này thiệt mạng do bị bắn hoặc bị giẫm đạp.
Liên quan đến vấn đề người tị nạn Afghanistan, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz ngày 22/8 đã phản đối việc tiếp nhận thêm người tị nạn đang tháo chạy khỏi quốc gia Tây Nam Á này.
Thủ tướng Kurz là người có quan điểm cứng rắn trong vấn đề người nhập cư. Trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang tìm hướng giải quyết cho những người Afghanistan từng hỗ trợ khối này trong 20 năm qua, Thủ tướng Kurz nêu rõ "đến Áo không phải là một lựa chọn."
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Puls 24, Ông nói: "Tôi phản đối việc tiếp nhận thêm người tị nạn và điều đó sẽ không diễn ra trong thời gian tôi giữ chức Thủ tướng Áo."
Theo dữ liệu năm 2020 của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hơn 40.000 người tị nạn Afghanistan đã đến Áo, nước có nhiều người tị nạn Afghanistan thứ hai ở châu Âu, sau Đức với 148.000 người.
Dân số của Áo ít hơn 9 lần so với dân số Đức và Áo là một quốc gia trung lập, không phải thành viên NATO.
Trong cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu giai đoạn 2015-2016, số người nộp đơn xin tị nạn mà Áo tiếp nhận chiếm hơn 1% dân số nước này./.