Sáng nay (23/12), Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho hay, năm 2021, toàn ngành Tuyên giáo đã chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Hải |
Đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Tăng cường định hướng các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân…
Bên cạnh các kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế như: Chất lượng, hiệu quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa cao; hoạt động tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhất là cấp cơ sở chưa đa dạng về hình thức, phương pháp thiếu sinh động, còn mang tính một chiều.
Xử lý hiệu quả những thông tin xấu độc trên không gian mạng
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Tuyên giáo trong năm qua.
Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư cũng đề cập một số hạn chế của công tác tuyên giáo. Dẫn chứng như công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động báo chí xuất bản có lúc chưa kịp thời, việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp xa rời tôn chỉ mục đích, nhất là những tạp chí điện tử của các Hội chưa nghiêm túc; quản lý các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử cá nhân còn hạn chế.
Việc tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm trên lĩnh vực khoa giáo chưa có nhiều chuyển biến, phương pháp chưa tương xứng, hiệu quả chưa cao.
Theo ông Võ Văn Thưởng, có những lúc vấn đề chưa tới tầm mức sử dụng biện pháp cao thì lại sử dụng biện pháp cao, có vấn đề đòi hỏi sử dụng biện pháp cao và nghiêm túc thì lại dùng biện pháp chưa đúng tầm mức.
Ông vẫn ví dụ việc tắt tiếng bài Quốc ca trên sóng là một sai lầm, sai phạm, vi phạm phải xử lý, và xử lý phải xử lý tới gốc vấn đề. Hay trong công tác phòng chống dịch, một số trường hợp đưa tin giả, đáng lý chỉ cần sử dụng biện pháp cho công an nắm lại tình hình, kiểm tra thực tế, xử phạt hành chính thì chúng ta lại dùng báo chí chính thống để bác bỏ.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Ảnh: Phạm Hải |
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu định hướng một số công việc trong năm tới với ngành Tuyên giáo.
Theo đó, nghiên cứu ban hành hướng dẫn đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quốc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, hướng dẫn theo dõi, đánh giá việc tổ chức hội nghị nghiên cứu quán triệt Kết luận và kế hoạch thực hiện ở các cấp, các ngành.
Trong nội bộ ngành tuyên giáo, các cơ quan trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ cần tiến hành ngay việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đảm bảo tinh thần nghiêm túc, thận trọng; cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp phải gương mẫu, tự giác làm trước, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì đã làm tốt, cái gì chưa tốt; trên cơ sở đó tự mình điều chỉnh, sửa chữa khắc phục, tránh qua loa, hình thức, chiếu lệ, xuê xoa, nể nang, ngăn chặn tình trạng lợi dụng kiểm điểm phê bình để đấu đá, hạ bệ nhau với những động cơ không trong sáng.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, góp phần xây dựng cơ sở khoa học vững chắc cho việc hoạch định thực thi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, khắc phục tình trạng ngại, lười học tập lý luận chính trị, xác định rõ động cơ thái độ học tập đúng đắn.
“Học tập lý luận chính trị không chỉ để nâng cao trình độ mà còn phải biết áp dụng lý luận đó vào thực tiễn, tạo sự chuyển biến thực sự trong mỗi hành động, việc làm của cán bộ đảng viên. Tuyệt đối tránh tư tưởng học đối phó, học chỉ vì bằng cấp để đủ điều kiện được đề bạt nâng lương, được bổ nhiệm làm lãnh đạo”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị ngành Tuyên giáo tăng cường chỉ đạo, định hướng kịp thời, chấn chỉnh hoạt động báo chí xuất bản với phương châm chủ động thông tin tích cực, phát huy vai trò báo chí xuất bản trong tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…
Ông đề cập việc xử lý nghiêm, hiệu quả vi phạm pháp luật trong hoạt động tạp chí điện tử và trang tin điện tử. Ví những vi phạm như là “cỏ dại”, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, nếu xử lý không nghiêm, không triệt để thì 1-2 tháng sau sẽ lại quay trở lại như cũ, vì vậy phải kiên trì thường xuyên, làm tới đâu chắc tới đó. Mỗi quý chọn lựa 5-7 tờ nghiên cứu đánh giá, kiến nghị sửa, 3 tháng sau không sửa thì rút giấy phép.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu ngành tuyên giáo kịp thời nắm bắt, đánh giá, dự báo, phối hợp, đấu tranh ngăn chặn, xử lý hiệu quả những thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc; coi trọng công tác nắm tình hình dư luận xã hội, các đối tượng, nhất là trước những sự kiện có tác động lớn đến đời sống xã hội, bảo đảm khoa học, chính xác, kịp thời.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: Phạm Hải |
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, ngành Tuyên giáo phải quán triệt chỉ đạo, nỗ lực, quyết tâm làm tốt hơn nữa, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của công tác Tuyên giáo, đi trước mở đường, vừa tiến công chủ động, vừa có thế vững vàng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ngoài ra, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao từng bước để có thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên không gian mạng, có trang thiết bị để đổi mới liên tục.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh việc cần quan tâm đến báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại. Trọng tâm thực hiện của báo chí là cách mạng, tính chuyên biệt, nhân văn…
Hương Quỳnh