Triều Tiên đã từng tự bảo vệ tốt trước COVID-19, nhưng lúc này khi phần lớn thế giới đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch, quốc gia này cuối cùng đã phải chống chọi với virus quái ác.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 13/5 đưa tin 6 công dân đầu tiên của nước này tử vong vì COVID-19, khoảng 18.000 trường hợp có triệu chứng sốt và 187.000 người đang được cách ly và điều trị.
Trong một hình ảnh cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện với khẩu trang, thứ mà trước đây ông đã từ chối đeo ngay cả khi tham dự các cuộc mít tinh và đại hội.
Bình Nhưỡng cho biết họ đang khởi động một hệ thống chống virus "khẩn cấp tối đa" để đối phó với "cơn sốt" đang lan rộng khắp Triều Tiên từ cuối tháng 4, ảnh hưởng đến 350.000 người - theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA).
Mặc dù KCNA không xác nhận dịch bệnh, nhưng sốt là một triệu chứng phổ biến của COVID-19. Hãng thông tấn Triều Tiên cũng lưu ý rằng một trong những người đã tử vong có nhiễm biến thể Omicron.
Đợt bùng phát dịch đột ngột này được cho có thể liên quan đến lượng người khổng lồ tập trung về Bình Nhưỡng vào tháng trước. Một cuộc mít tinh đã diễn ra ở trung tâm thủ đô vào ngày 15/4 và cuộc duyệt binh được tổ chức vào 25/4.
Làn sóng dịch lớn này đặt ra những câu hỏi cấp bách về các rào cản hậu cần, công nghệ và chính trị trong việc hỗ trợ một quốc gia bị trừng phạt. Tệ hơn nữa, nhiều đại sứ quán các nước ở Bình Nhưỡng còn không có người làm việc, hoặc thiếu nhân sự.
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả với các bệnh truyền nhiễm. Trước dịch COVID-19, nước này từng đóng chặt biên giới của mình để ngăn chặn các dịch SARS, MERS, Ebola, và rõ ràng là rất hiệu quả. Họ triển khai cùng chiến lược đó chống lại COVID-19, sử dụng các biện pháp kiểm soát biên giới thuộc loại cứng rắn nhất trên thế giới.
Trong hai năm gần đây, Bình Nhưỡng ít thông tin về COVID-19, nhưng một chuyên gia nói với tờ Asia Times rằng nhiều khả năng các biện pháp nghiêm ngặt đã có hiệu quả.
Ông Andrei Lankov, chuyên gia theo dõi Triều Tiên tại Đại học Kookmin của Seoul, từng lớn lên ở Liên Xô và học tập ở Bình Nhưỡng, cho biết hệ thống y tế kiểu Liên Xô của Triều Tiên được thiết kế rõ ràng để đối phó với đại dịch.
Hệ thống y tế quốc gia của Triều Tiên tự hào có tỷ lệ bác sĩ trên dân số cao. Hệ thống kiểm soát xã hội của họ cho phép ngăn chặn sự di chuyển phức tạp của con người, do đó ngăn chặn sự lây truyền.
Chuyên gia Lankov suy đoán rằng những kẻ buôn lậu lén lút vượt qua biên giới Trung Quốc đưa virus vào Triều Tiên.
Nhưng trong khi các hệ thống của Bình Nhưỡng cung cấp một khả năng phòng thủ đáng kể trựh bệnh, thì cơ sở hạ tầng y tế của nước này lại thiếu nguồn lực và một phần đáng kể dân số có dinh dưỡng chưa đẩy đủ, một yếu tố làm suy giảm hệ miễn dịch.
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, Triều Tiên đã từ chối nhận vaccine từ cơ quan phân phối vaccine quốc tế Covax. “Covax muốn đóng góp trách nhiệm, nhưng Triều Tiên không muốn điều đó”, ông Jerome Kim, người đứng đầu Viện Vaccine Quốc tế, nói với Asia Times.
Nếu lập trường của Bình Nhưỡng thay đổi, thì việc gửi hàng triệu liều vaccine cho nước này là khả thi, với tình trạng dự trữ vaccine toàn cầu hiện tại. Thế giới đã phản ứng với cuộc khủng hoảng bằng công cuộc phát triển, triển khai và phân phối vaccine nhanh chóng chưa từng có, đến mức cung đã vượt cầu.
Ông Jerome Kim cho rằng các kết nối hậu cần từ Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng với các công nghệ thích hợp, có thể giúp xúc tiến một chương trình tiêm chủng quốc gia siêu nhanh tại Triều Tiên. “Bạn có thể gửi vaccine trên các xe tải lạnh qua các tuyến đường bộ từ Hàn Quốc hoặc Trung Quốc. Và chúng tôi có thể đưa nitơ lỏng vào bằng tàu hoả, vì vậy vaccine có thể được bảo quản an toàn".
Trước những hạn chế với Triều Tiên, chuyên gia Lankov gợi ý Bình Nhưỡng có ba lựa chọn.
Một là “chiến lược kiểu Thụy Điển” - để virus lây lan và cuối cùng xây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng. Nhưng ông nhận định, “sẽ rất rủi ro” với Triều Tiên.
Một giải pháp khác sẽ là khóa cứng kiểu “Zero Covid” của Trung Quốc. Nhưng điều này dẫn đến một vấn đề khác, đó là Triều Tiên thiếu nguồn cung mạnh mẽ mà Trung Quốc có để phân phối phục vụ những cộng đồng bị cách ly.
Lựa chọn thứ ba là nhờ nguồn bên ngoài hỗ trợ. “Họ có thể quay sang Bắc Kinh hoặc Nga để được hỗ trợ”, một người quen thuộc với các chính sách Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nói với Asia Times.