Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nguy hiểm. (Ảnh: UN) |
Đây là cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Khẩn cấp về Quy định Y tế Quốc tế liên quan đến sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ ở một số quốc gia. Cuộc họp bắt đầu vào giữa ngày 23/6, nhưng WHO không cho biết khi nào kết luận của các chuyên gia sẽ được công bố.
"Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Khẩn cấp liên quan đến sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ ở một số quốc gia đang được tiến hành" – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận trên trang Tweeter. “Ủy ban khẩn cấp dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố trong vòng vài ngày sau cuộc họp” – WHO cho biết, đồng thời lưu ý rằng đây là một cuộc họp kín.
Các ca bệnh đậu mùa ở khỉ bùng phát đã được phát hiện kể từ tháng 5 bên ngoài các quốc gia thuộc khu vực châu Phi cận Sahara, nơi virus thường lưu hành. Các nước phương Tây là trung tâm lây lan của virus.
Từ ngày 1/1 - 15/6, 2.103 trường hợp được xác nhận, trong đó có một trường hợp tử vong ở Nigeria, đã được báo cáo cho WHO từ 42 quốc gia, bao gồm cả ở châu Phi. Trước tình hình bùng phát ca bệnh trên toàn cầu này, WHO, ngày 14/6, đã thông báo muốn triệu tập một ủy ban khẩn cấp.
Cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp hôm 23/6 tập hợp các chuyên gia từ các khu vực bị ảnh hưởng nhất. Họ sẽ đưa ra khuyến nghị với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Theo WHO, Ủy ban Khẩn cấp sẽ tư vấn cho Tổng Giám đốc WHO về việc liệu sự kiện có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm hay không và nếu có, Ủy ban sẽ đưa ra các khuyến nghị tạm thời về cách ngăn ngừa và giảm sự lây lan của dịch bệnh và quản lý toàn cầu tốt hơn.
Được biết đến ở người từ năm 1970, bệnh đậu mùa khỉ được coi là ít nguy hiểm và dễ lây lan hơn nhiều so với bệnh đậu mùa, vốn đã bị loại trừ vào năm 1980. Bệnh gây ra bởi một loại virus truyền sang người bởi động vật bị nhiễm bệnh.
Cho đến nay đã có 9 ủy ban khẩn cấp, hai trong số đó đang tiếp tục về bệnh bại liệt và đại dịch COVID-19./.