Xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam vươn lên thứ 3 thế giới14/12/2024 - 14:32:00 Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam hiện xếp thứ ba thế giới, giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu người.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, Hiệp hội hiện có gần 1000 doanh nghiệp (DN) hội viên chính thức và liên kết. Thời điểm VITAS mới thành lập, ngành dệt may Việt Nam chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ bé so với Thái Lan, Indonesia, Philippines… đến nay đã vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Thị trường trong nước 25 năm qua cũng tăng từ trên 300 triệu USD lên khoảng 4,5 tỉ USD. Thặng dư thương mại năm 2024 đạt 19 tỉ USD, tăng 108,6 lần so với 175 triệu USD của năm 1999. Với lực lượng lao động trên 3 triệu người, dệt may là ngành giải quyết việc làm lớn nhất trong các ngành kinh tế cả nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, tăng thu ngân sách cho Nhà nước, các địa phương và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong năm 2024, dù đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỉ USD, tăng 11,26%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỉ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỉ USD, tăng 6,93%. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam với kinh ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỉ USD, tăng 12,33% và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kinh ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là các thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN. "25 năm qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các DN dệt may với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương để phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm… Đồng thời, tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thương mại cho DN, tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do” – ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh. Từ nay đến năm 2030, ngành Dệt may Việt Nam sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031-2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|